Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

BIA HƠI HÀ NỘI

Sau khi đọc qua một vài cuốn tản văn của hai tác giả nam đã có tuổi và đều đã có quãng thời gian gắn bó với Hà Nội là Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Việt Hà. Tôi thấy điểm chung của hai tác giả này chính là luôn nhắc đến những quán bia hơi trong tác phẩm của mình. Tôi có cảm giác đã là đàn ông với nhau thì phải gặp nhau ở quán bia hơi vậy. Sự tò mò dâng trào trong tôi. Nó đã đưa tôi đến một quyết định “Trong chuyến đi ra Hà Nội nhất định tôi phải vào quán bia hơi!”.




Chiều đó, tôi bước vào một quán bia hơi khá nhỏ nhắn nằm trên phố Lò Đúc cùng với em trai và ông anh rể, một chuyên gia trong lĩnh vực này (dân xây dựng mà J). Do chúng tôi đi hơi sớm so với giờ tan tầm nên quán còn khá vắng với một vài vị khách trong bộ quần áo khá dân dã quần lửng, áo thun và đôi dép tổ ong, đang ngồi bắt chéo chân tựa ghế nhìn xa xăm. Chị chủ quán đon đả ra chào khi thoáng trông thấy ông khách quen, hỏi han này nọ, vừa nói vừa cười, tay không ngừng chuẩn bị các thứ cùng ly cốc cho khách.


Ông anh rể tôi liền gọi ra 3 cốc bia hơi Hà Nội cùng một dĩa nem chua lá ổi. Ở đây, mồi thường là các loại nem như nem chua lá ổi, nem tai ăn gém với lá sung, rau kinh giới,… Bia hơi thì được đựng trong cốc thủy tinh (loại ngày xưa người ta hay dùng để bán nước mía), lớp bọt bia khá dày và bia có màu vàng nhàn nhạt. Điều đặc biệt ở chỗ là tất cả đều phải được ướp lạnh và tuyệt nhiên là không bao giờ có đá. Anh nói với tôi bia này khi mang ra phải cụng ly uống ngay mới ngon vì khi đó lớp bọt dày vẫn còn, uống mà bọt bia dính mép mới gọi là đúng điệu. Không chần chờ gì thêm nữa. Chúng tôi nâng cốc và thưởng thức cốc bia của mình. Vị bia êm, nhẹ khá giống bia Heneiken và rất dễ uống. Sau vị êm nhẹ đó là một cảm giác mát lạnh nơi cuống họng. Cuối cùng là liếm bọt bia dính trên mép J.

Nem lá ổi

Nem tai

Khi tôi nói với anh về lời đồn rằng: con trai Hà Nội sau khi đi làm về thì phải vào quán bia hơi làm vài ly rồi mới về nhà được. Anh cười và nói lời đồn này có hơi quá vì như anh thấy thì thỉnh thoảng họ mới có thời gian cùng nhau vào quán bia và chủ yếu chỉ là để tán gẫu mà thôi! Tôi cũng có phần tin lời anh nói. Vì thật sự là bạn không thể nào ngồi lâu với mấy cốc bia hơi đó được, càng để lâu bia sẽ càng có vị đắng và không còn lạnh nữa. Nó chỉ ngon nhất khi mới được bưng ra bàn thôi! Anh nói thêm: “Ở đây, chủ yếu nhậu bằng rượu chứ không nhậu bằng bia. Bia chỉ để uống cho mát. Còn loại rượu được yêu thích thường là các loại rượu ngâm như táo mèo, chuối hột, sâm, đào tiên,…”. Hèn chi tôi thấy mấy chai rượu tây chỉ toàn được trưng trong tủ cho đẹp.

Do trong quán chỉ có mình tôi là con gái và chưa từng nghe con gái vào quán bia hơi bao giờ nên tôi có phần hơi ngại. Dù gì thì văn hóa cũng là văn hóa mà. Với lại khi đề nghị anh dẫn đi tôi cũng chỉ định liều hỏi thử thôi! Nhưng thấy anh tỏ ra rất vui vẻ và khá bình thường so với những gì tôi tưởng tượng nên tôi đã tự tin đi. Nhưng anh nói chuyện đó chỉ là trước đây thôi bây giờ thì khác rồi. Cứ chiều chiều là những thanh niên như chúng tôi ngồi đầy ở các quán bia hơi, không còn chuyện phân biệt nam nữ hay già trẻ nữa. Thêm vào đó, như trong các tác phẩm mà tôi đã đọc thì nó cũng không phân biệt cả giai cấp. Từ ông giám đốc đến anh lao công quét đường cũng có thể cùng nhau vào quán bia hơi và “chém gió” chuyện thời sự, chuyện thế giới.


Ly bia vơi dần và trong buổi chiều đó tôi đã sống như một thanh niên Hà Nội!

Read more: Mời các bạn ghé thăm Facebook: Cộng-đồng-Marketing-Việt-Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét